1) Cho nên cái số mỗi đứa học trò hai thùng gạo hoặc đỗ, với số tiền là 5 đồng bạc của con giai cả mỗi tháng gửi về, khiến ông đồ thấy quần áo chóng rách, thấy tóc trên đầu chóng bạc, mà cuộc đời thì chỉ là một chuỗi ngày liên tiếp rất nặng nề, sờ vào túi thì ngày nào cũng túng tiền, sờ lên cằm, lên mép thì thấy rất phong lưu những râu và ria.
2) Trong cơn đau khổ, cô thấy mình hồng nhan bạc mệnh, thấy đời là độc ác vô cùng, thấy chị em bạn gái trong làng là tồi tệ thấy bố mẹ không đủ sức chống chọi, thấy Trời và Phật là những đồ thong manh.
3) Sự lẳng lặng thề thốt với nhau lại ý nhị hơn cả bằng lời nói nữa.
4) Vả lại những sự cố đó cũng đã đủ khiến cho một số đông người hèn nhát không bao giờ dám đương đầu với một việc gì nhưng gặp lúc tai biến thì lại là những người can trường nhất, bướng bỉnh nhất trong cái sự sợ hãi, và cái sự chửi bới của những người xung quanh.
5) Khốn thay, sự trưởng giả vẫn có nhiều thứ hào quang đủ làm người ta loá mắt lắm.
6) Cũng như máu gọi máu, nước mắt gọi nước mắt. Máu do một kẻ giết người tưới ra, vẫn gọi sự khát máu của thần công lý, thì nước mắt của người nghĩa sĩ cũng dễ hợp với nước mắt của kẻ chịu đau thương.
7) Phải đó, thù mà làm gì? Đó là những sự nhỏ nhen của đời người ta, ta nên cao hơi đời một chút.
8) Chàng tin rằng nếu Mịch lại trông thấy sự chung tình như thế của chàng thì những điều đau khổ của Mịch sẽ tiêu tán đi vì ái tình, nhất là một cái ái tình đằm thắm, nồng nàn, một cái ái tình ở trên mọi sự hy sinh, thì là một ông thầy thuốc rất giỏi.
9) Người ta khổ đến mức như thế thì người ta phải tức, mà khi người ta nóng nảy, thì người ta cũng có quyền ăn nói quàng xiên.
10) Cho hay muốn nói đến sự oái oăm thì phải kể đến lòng tự ái. Nhưng lòng tự ái của một người là một thế giới chỉ người ấy hiểu chứ người khác - dù là cha nữa - cũng không thể hiểu nổi.
11) Trước kia Mịch tự tử là vì ái tình. Bây giờ Mịch không được yêu, thì Mịch chỉ trông thấy sự căm hờn mà thôi. Mà sự căm hờn chỉ nuôi, chứ không giết.
12) Khách đến hút thuốc có đủ hạng người: ông chủ sòng mà sở liêm phóng không thương hại, mấy cậu học trò vừa ra khỏi trường mà đã oán giận xã hội không trọng dụng nhân tài, cụ phán già không được cưới thêm vợ lẽ, ông nhà văn có sách mới bị cấm, tay chủ báo vừa thua kiện về tội phỉ báng, tay phóng viên thiếu đầu đề, cô gái nhảy vừa đánh mất nhân tình, nhà tài tử cải lương Nam kỳ không có người bao. Gian phòng lúc ấy là cả một cái xã hội thất vọng phải tan ra khói.
13) Ta giận thân làm gì mà oán đời làm gì? Sự đời là như thế, bao giờ cũng có cái sự gì nó xảy ra, để cho chúng ta đương sướng phải hoá ra khổ, hoặc đướng khổ rồi thì lại phải khổ hơn trước nữa ... Ai cũng chịu đựng số phận như thế, chứ chẳng cứ gì một ta đâu, nên tôi muốn khuyên ông can đảm mà chống chọi với đời. Biết lục tìm những điều khổ sở lấy một chút hạnh phúc, ấy là cái đạo của người khôn ngoan, biết hy sinh đi, biết tha thứ cho hết thảy kẻ có tội với mình, dù trong sự hy sinh có bị mùi vị chua cay, cũng phải cứ dằn lòng mà hy sinh đi, đừng bao giờ oán giận ai nữa, đừng quên coi sự đời là to, nếu nó thiệt hại cho mình phải coi trọng sự đời, nếu nó thiết hại cho người khác, bao giờ cũng bình tĩnh, nên luôn luôn giữ im lặng, vì chỉ có sự im lặng mới tỏ ra được cái khinh bỉ sự vật, vì chỉ có sự im lặng là thanh cao thôi, ấy mọi hành vi mà theo được một trật tự như thế thì đó là cái đạo của người quân tử...
14) Sở dĩ ông còn tin được ở ái tình, một là vì ông hãy còn trẻ tuổi, hai là vì bọn văn sĩ mê hoặc ông. Ông văn sĩ chỉ đi mô tả những cuộc thảm tình, những cuộc tình duyên lỡ dở, những câu chuyện khổ sở điêu đứng, hình như nếu họ mà lấy được nhau thì họ sung sướng bồng lai! Nếu bọn văn sĩ bây giờ chịu viết những chuyện tình rồi cho họ lấy nhau đi, rồi cho họ ghen nhau, giận nhau đi, thì mới chứng thực rằng ái tình chỉ làm cho con người ta khổ sở. Mà nào chỉ có thế! Lại còn cãi nhau, đánh nhau, phụ nhau rồi giết nhau, chông ăn chả, vợ ăn nem, hoặc là sống chung với nhau để khinh bỉ thù hằn lẫn nhau. Nào có ông văn sĩ nào là tả đúng sự đời và bảo được cho mọi người rằng ái tình là một điều không bõ để ý!
15) Thói thường, sau khi người ta chủ tâm phải tự mình giận mình nhiều quá, không còn biết sao nữa, thì người ta phải vô tâm mà giận đến kẻ khác, cho nó khuây khoả sự hối hận đi.
16) Sự hoài nghi chỉ làm cho người ta khốn khổ chứ có đẻ ra hạnh phúc bao giờ!
17) Bọn này thuộc vào lớp người mà do ai, xã hội được hoạt động, trông vào đâu, cũng thấy danh lợi, sống lên trên những cuộc tai hoạ hoặc những sự may mắn của người đời. Trước mắt bậc triết nhân hiền giả, họ là bọn sài lang, mà đối với gia đình của họ, thì họ là những bậc can trường lỗi lạc.
Trong bọn ấy, có anh coi đời như canh bạc lớn, làm việc thiện là để quảng cáo cho mình, làm việc ác mà bắt mọi người phải nhớ ơn, đọc đủ cả các báo chí mà không biết gì về văn chương mỹ thuật, tủ sách đầy những tập kỷ yếu các hội ái hữu, nhưng kỳ chung thật không có ai là bạn trên đời, cầm đến tờ nhận trình chỉ xem tin thương trường, tin gọi thầu, các đạo nghị định, tin xuất cảng, nhập cảng, đã từng chủ toạ những cuộc bàn giải văn chương, mà chưa hề đọc hết một cuốn tiểu thuyết. Lại có anh vừa cổ động kịch liệt cho hội phật giáo, lại vừa xây hàng dãy nhà săm, thấy tin ở đâu bị lụt là lập tức hô hào mở cuộc lạc quyên, để đi cân gạo, thấy tin ông tổng trưởng thuộc địa qua chơi, là viết ngay một bài báo than phiền về nạn hiếu danh mà lên kể công doanh thương với quan đầu tỉnh, coi đời là một sự vô nghĩa lý, nhưng đày tớ đánh vỡ một cái bát cũng bắt đền năm xu, giữa đám đông người thì cả mồn chửi những người tàn ác buôn đồng loại, những ngồi một mình thì lại ca tụng mình đã làm được một việc tàn ác một cách có mỹ thuật. Có anh nữa, đa bị cáo trước vành móng ngựa hàng chục lần, mà vẫn chưa biết ông biện lý ngồi ở chỗ nào, vào đâu cũng khoe mình giỏi pháp luật, khai ở sở liêm phóng là vô nghề nghiệp nhưng thực ra không còn nghề gì là không làm, ban đêm đi tiêm thuốc phiện cho người quý quốc,ban ngày đi đòi tiền hộ các sở nặc nô, làm chủ ba bốn tiệm khiêu vũ, mà đánh con gái đến hộc máu về tội ăn mặc tân thời; cho vay lãi mười lăm phân thì xót xa, vì đã quá hy sinh cho đời, mà đem vi thành quan trên bạc nghìn, vì đã được cái cửu phẩm còn sợ mình là bội bạc. Lại có anh vừa là chủ hiệu xe đám ma, vừa là chủ dược phòng, bán tem cho Hội Bài trừ bệnh lao, lại bán cả thuốc lào mốc, chiếm kỷ lục về sự vô học nhưng lại gọi ông Quỳnh, ông Vĩnh là thằng, ấy vậy mà khéo làm tiền, thì lại cứ hơn những kẻ có bằng thương mại chuyên môn ... Nói tóm lại một câu, bọn người này là những mẫu hàng đặc biệt của công giới và thương giới
18) Một người bạn cũ mà đến với mình, khi mình đã giàu có, thì không khi nào là một điềm tốt.
19) Một vị tiết phụ không khi nào lại tưởng trong đời có kẻ bán thân nuôi miệng ... Một người trần tục thích ăn ngon, thích gái đẹp, không khi nào tin rằng xưa nay vẫn có những bậc chân tu, cam chị suốt đời khổ hạnh. Quan bác đã có cái chí kinh thiên động địa rồi, thì khi nào tưởng được trong đời có kẻ sống một cách phiếm lãng như tôi?
20) Người cao khiết quá, giữ tiết tháo một cách nghiệt ngã quá, thì thành ra gàn dở, vô dụng cho đời, mà người trung dung quá thiên về chủ nghĩa gia đình quá, thì thường vì bốn chữ vinh thân phì gia mà mất hết lương tâm.
21) Phải đâu, ừ phải đâu mới là một thày đồ có một dúm chữ ê a dạy lũ trẻ ranh mà đã là có học! Vả chăng cái số thầy đồ vô học mà tự phụ vẫn nhan nhản trong xã hội ...
22) Sự phù hoa giả dối của một xã hội chỉ trọng những cái bên ngoài, một nền luân lý ích kỷ, sự tín ngưỡng thế lực hoàng kim, cuộc cạnh tranh dữ dội đến hình thức đã làm hại tâm thuật người đời. Do thế, lúc người ta bần thì người ta còn thanh, và đã nên phú rồi, nhiều khi người ta hoá ra trọc.
23) Người đời không ai đáng yêu, không ai đáng trọng, không ai đáng khinh, vì ai cũng có điều thiện và điều ác, trong lòng người nào cũng có một thần thiện và một thần ác.
24) Loài người không ai ác, không ai tồi, không ai đê tiện, không ai phụ bạc cả. Loài người chỉ là một lũ ngu dốt không biết phân biệt điều hay, điều dở, không biết ăn ở sao cho phải, luôn luôn bất cập, luôn luôn thái quá; loài người chỉ là một lũ nhầm lẫn đáng thương! Do thế mới có câu: than ôi! không ai bản thân vốn ác, vậy mà người ta đã gây ra cho nhau biết bao nhiêu thảm kịch ở đời!
25)
- Bác chẳng may phải tai nạn, còn trơ trọi bác gái sống một mình, thành ra tôi đem lòng thương. Từ cái thương đến cái yêu không xa, xin bác hiểu cho cái chỗ hèn yếu của lòng người.
- Bác đi Lào, tôi ở nhà tù ra, tôi cũng thương yêu vợ bác y như bác thương yêu vợ tôi lúc tôi ở tù vậy! Xin bác soi xét cho cái chỗ hèn yếu của lòng người ...
26) Con sợ cơn giông tối ngoài bể, thế ra con không sợ giông ... tố ngay trong lòng con bây giờ đó sao?
27) Đã có học thức, nhân phẩm, lại có một lý tưởng mà thờ, con sẽ cố gắng làm những việc hữu ích cho dân chúng trong vòng pháp luật, thì làm gì không trở nên được người hữu ích? Cho nên quay về sống với xã hội như cũ, coi như trong đời con không có sự gì xảy ra cả. Như thế là cha bằng lòng lắm rồi. Nếu con cũng như trăm nghìn kẻ khác, có tim, có óc, mà ích kỷ, mà ham sinh uý tử, mà rồi cứu cánh là một cuộc đời trưởng giả, sống như chó, như lợn, vì kim tiền, vì ái tình, vì vật chất, vì hư danh, thì mới đáng lo cho giống nòi.