Tham luận Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục

Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2013

Tự dưng lại tìm thấy cái này. Hóa ra cũng có lúc mình nhiệt tình ra phết.

BÁO CÁO THAM LUẬN
Hội thảo Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục năm học 2010 – 2011
và giai đoạn 2010 – 2015

Thực hiện Công văn số 1073/SGDĐT-GDTrH ngày 30/08/2010 của Sở Giáo dục và Đào tạo về kế hoạch tổ chức Hội thảo “Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục năm học 2010 – 2011 và giai đoạn 2010 – 2015”.
Căn cứ kết quả hội thảo ở tổ, tổ Toán – Tin xin trình bày tham luận của tổ.

I – THỰC TRẠNG CHẤT LƯỢNG MÔN TOÁN :
1. Kết quả học tập bộ môn hai năm học trước:
Năm học
Tổng số học sinh
Giỏi
Khá
TB
Yếu
Kém
2008 – 2009
464
13
69
145
171
48
100%
2.80
14.87
31.25
36.85
10.34
2009 – 2010
490
11
55
196
201
27
100%
2.24
11.22
40.00
41.02
5.51

2. Tình hình học sinh đầu năm học:
Tổng số HS
Giỏi
Khá
TB
Yếu
Kém
538
0
40
230
168
100
100%
0.00
7.43
42.75
31.23
18.59

3. Nhận định chung:
- Chất lượng bộ môn nhìn chung còn thấp. Môn Toán là môn chủ yếu tạo nên chất lượng chung của tổ Toán - Tin, là môn có ảnh hưởng lớn đến chất lượng chung của nhà trường.
- Về mặt tích cực, qua hai năm học trước, tỉ lệ học sinh kém đã giảm đi một nửa, tỉ lệ trung bình trở lên đã tăng. Nhưng tỉ lệ học sinh khá giỏi giảm, tỉ lệ học sinh yếu tăng và còn ở mức cao.

4. Nguyên nhân còn nhiều học sinh yếu kém và ít học sinh khá giỏi:
4.1. Nguyên nhân chủ quan:
a) Từ phía giáo viên:
- Còn có nhiều hạn chế về chuyên môn và kinh nghiệm giảng dạy, một bộ phận giáo viên còn chưa nghiêm túc trong giảng dạy.
- Chưa tìm được phương pháp phù hợp đối với đối tượng học sinh bị hổng kiến thức cấp dưới.
- Dạy học chưa chú ý đến vấn đề một lớp có  nhiều đối tượng học sinh:
+ Soạn bài chưa có hệ thống câu hỏi phù hợp với bài giảng và có tính phân loại học sinh.
+ Ra bài tập về nhà nhiều về số lượng, không có chọn lọc, phân hóa học sinh; có bài tập không tập trung vào trọng tâm bài dạy.
- Dạy học chưa phát huy được tính tích cực của học sinh, ít gây được hứng thú đối với học sinh.
- Kiểm tra đánh giá còn chưa chính xác. Một số giáo viên còn nhiều lúng túng khi ra đề kiểm tra. Đề kiểm tra đôi lúc còn chưa đạt chuẩn, còn quá khó hoặc quá dài.
- Chưa thật sự nhiệt tình phụ đạo học sinh yếu kém, bồi dưỡng học sinh giỏi;
- Trong quá trình giảng dạy, thường tập trung quan tâm tới học sinh yếu kém nhiều mà ít quan tâm bồi dưỡng học sinh giỏi.
- Chỉ chú trọng giảng dạy kiến thức, kĩ năng mà thiếu quan tâm tới hoàn cảnh gia đình, tâm tư, nguyện vọng của học sinh.

- Ít quan tâm hướng dẫn học sinh cách tự học, buông lỏng kiểm tra quá trình tự học ở nhà của học sinh.

b) Từ phía học sinh:
- Nhiều học sinh chưa xác định được động cơ học tập, thiếu ý chí phấn đấu, lười học, ỷ lại, ham chơi, đua đòi, yêu đương sớm.
- Đại bộ phận học sinh hổng kiến thức, kĩ năng cơ bản THCS nên gặp khó khăn trong việc tiếp thu các kiến thức mới.
- Chưa có phương pháp học phù hợp, chưa có ý thức tự học, chưa biết cách tự học. Đa phần học sinh nhút nhát, không dám hỏi bài bạn bè, thầy cố giáo.
- Một số học sinh có học lực trung bình-khá dễ rơi vào tình trạng tự thỏa mãn, không cố gắng nỗ lực hơn.

4.2. Nguyên nhân khách quan:
- Chương trình sách giáo khoa hiện nay còn nặng về lý thuyết, thời lượng cho các tiết luyện tập quá ít, gây khó khăn cho cả thầy và trò.
- Điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương còn nhiều khó khăn nên ảnh hưởng trực tiếp đến điều kiện sinh hoạt, học tập của học sinh. Nhiều học sinh phải đi học xa hoặc trọ học.
- Sự quan tâm của gia đình đến việc học tập của học sinh còn nhiều hạn chế. Tâm lí mang con bỏ chợ, giao phó tất cả cho nhà trường còn phổ biến.
- Phong trào học tập, hoạt động khuyến học ở địa phương chưa sôi nổi.
- Chất lượng tuyển sinh vào lớp 10 thấp và giảm dần theo từng năm.
- Có phụ huynh học sinh, cán bộ và giáo viên cũng còn suy nghĩ rằng không cần phải học tập thực sự, chỉ cần vào phòng thi chép được bài là xong. Thậm chí còn đánh giá khâu coi thi, chấm thi là khâu quyết định chất lượng giáo dục, xem nhẹ việc dạy thực chất, học thực chất.
- Việc xét hai mặt giáo dục, xét lên lớp ở lại còn có lúc làm chưa đảm bảo chính xác, nghiêm túc, công bằng, không tạo được động lực cho giáo viên và học sinh dạy tốt, học tốt.
- Mặt trái của cơ chế thị trường làm thay đổi môi trường xã hội trong khu vực Pác Khuông. Game online, rượu bia, thuốc lá, cờ bạc, văn hóa phẩm độc hai... ảnh hưởng không tốt đến học sinh.
- Sự phối hợp giữa gia đình - nhà trường - xã hội trong việc giáo dục, quản lí học sinh trong và ngoài nhà trường chưa hiệu quả.

II - MỤC TIÊU CẦN ĐẠT: Chỉ tiêu chất lượng đến cuối năm học:
Tổng số học sinh
Giỏi
Khá
TB
Yếu
Kém
538
13
62
233
218
12
100%
2.41
11.52
43.30
40.52
2.23

III – GIẢI PHÁP:
1. Đối với giáo viên:
- Thực hiện cuộc vận động Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương tự học và sáng tạo, giáo viên cần tự học, tự tìm tòi nghiên cứu tài liệu, sách vở, mạng internet, học hỏi đồng nghiệp trong và ngoài trường để nâng cao trình độ chuyên môn và kinh nghiệm giảng dạy.
- Nâng cao ý thức trách nhiệm, tâm huyết tận tụy với nghề, hết lòng hết sức vì sự nghiệp giáo dục, vì học sinh thân yêu. Giáo viên lập danh sách các học sinh cận dưới yếu, cận dưới trung bình, cận dưới khá để quan tâm bồi dưỡng thêm cho các em đạt kết quả tốt hơn.
- Dạy học theo chuẩn kiến thức, kĩ năng; chọn bài tập, ví dụ phù hợp với đối tượng học sinh. Giáo án cần có hệ thống câu hỏi, bài tập đúng theo chuẩn kiến thức, kĩ năng. Giao bài tập về nhà đảm bảo đúng trọng tâm, không quá nhiều về số lượng.
- Với đối tượng học sinh bị hổng kiến thức, kĩ năng cấp dưới, giáo viên cần tìm ra phương pháp phù hợp.
+ Mỗi tiết học, giáo viên nên dành ít nhất 1 phút để giới thiệu về tiết học sau. Trong đó cần yêu cầu học sinh về nhà đọc trước bài sau, xem lại kiến thức cũ ở mục nào, bài nào, chương nào trong sách giáo khoa lớp nào (Muốn vậy, giáo viên phải soạn trước cả bài, tiết sau đó).
+ Trong tiết học sau, giáo viên kiểm tra bài cũ bằng cách yêu cầu học sinh nêu các đề mục của bài học mới hoặc liệt kê các kiến thức cũ liên quan đã được giao về nhà tìm lại, giáo viên ghi lên một góc bảng và yêu cầu học sinh ghi vào trang cuối của cuốn vở để tiện xem lại.
+ Giáo viên đánh giá, cho điểm khuyến khích những học sinh về nhà có ý thức xem  lại bài. Nếu cả lớp học sinh không có ai nhắc lại được kiến thức cũ, giáo viên có thể hi sinh tiết học đó để dạy phân môn khác hoặc để củng cố bài học trước. Giáo viên yêu cầu học sinh tiếp tục về nhà xem lại. Khi nào nhắc được các kiến thức đó mới được học bài mới. Tiết học mà học sinh về nhà không xem lại kiến thức cũ theo yêu cầu giáo viên cần được đánh giá từ Trung bình trở xuống.
- Để phát huy được tính tích cực của học sinh cần:
+ Đổi mới soạn giảng, tích cực sử dụng thiết bị dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin hợp lí;
+ Phân nhóm học sinh cho phù hợp. Dạy học có phân hóa;
+ Dạy học thực hành, dạy học gắn với thực tế, liên hệ với các môn học khác, với kiến thức cuộc sống, kiến thức xã hội;
+ Xây dựng Giờ học thân thiện, học sinh tích cực, giáo viên có kiến thức vững vàng, có tài năng sư phạm, có tác phong, cử chỉ, ngôn ngữ thân thiện, quan tâm giúp đỡ học sinh trong giờ học.
+ Khuyến khích học sinh hỏi bài. Chấp nhận ý kiến trái chiều của học sinh.
- Đổi mới kiểm tra, đánh giá:
+ Khuyến khích học sinh học tập bằng cách tạo điều kiện cho học sinh học yếu cũng có cơ hội đạt điểm khá giỏi thông qua các tiết thực hành, tiết bài tập. Đánh giá học sinh cần xét cả sự cố gắng, ý thức phấn đấu, nỗ lực của học sinh.
+ Thực hiện nghiêm túc việc thẩm định đề kiểm tra từ 45 phút trở lên. Đề kiểm tra nào chưa qua thẩm định, tuyệt đối không cho kiểm tra.
+ Đề kiểm tra phải có tính phân hóa học sinh. Trong đề, phải có ít nhất 2 điểm nhận biết với nội dung là kiến thức, kĩ năng cơ bản nhất, trọng tâm nhất, dễ nhất chương đó. Đề cũng cần có ít nhất 1 điểm yêu cầu học sinh phải tự học, nhưng không mang tính chất đánh đố.
- Dạy học có phân hóa:
+ Trong tiết lý thuyết: Chỉ yêu cầu các học sinh yếu các yêu cầu đơn giản như đọc định nghĩa, định lí, nêu ví dụ (đối với ví dụ đơn giản), ... ; đối với học sinh khá giỏi, yêu cầu chứng minh, tìm phản ví dụ, có thể nêu các câu hỏi gợi mở để các em tự tìm tòi khám phá. Mỗi dạng bài, giáo viên cần cho từ 2 đến 3 ví dụ để các học sinh yếu kém làm cho quen dạng. Từ ví dụ thứ 2, cần cho thêm các yêu cầu khó hơn để dành cho các học sinh khá giỏi.
+ Trong tiết bài tập, gọi học sinh yếu kém nêu công thức, nhắc lại kiến thức, chữa bài tập dễ. Yêu cầu học sinh khá giỏi chữa bài tập khó hơn. Giao thêm bài tập khó cho học sinh khá giỏi.
- Nhiệt tình phụ đạo học sinh yếu kém, mỗi thầy cô giáo hãy bỏ ít nhất 2 tiết/tuần không lấy thù lao để phụ đạo cho học sinh. Giáo viên phải coi mỗi học sinh yếu kém là 1 phần yếu kém của bản thân mình, không nên trách mắng các em. Tổ chức phụ đạo tập trung theo từng nhóm đối tượng. Không phụ đạo tràn lan, đại trà.
- Chú trọng bồi dưỡng học sinh giỏi, bồi dưỡng học sinh năng khiếu.
+ Lập danh sách học sinh năng khiếu, học sinh đam mê môn học của mình;
+ Trong tiết lý thuyết, cần đưa ra câu hỏi gợi mở để học sinh tự khám phá, tìm tòi.
+ Giao thêm bài tập về nhà, các bài tập không nên quá khó mà cần gắn với nội dung bài đang học;
+ Trong tiết bài tập, yêu cầu các em làm bài tập nâng cao, dành thời gian chữa bài hoặc hướng dẫn giải bài.
+ Hướng dẫn học sinh sử dụng sách tham khảo, sách nâng cao, tạp chí toán học và tuổi trẻ.
+ Mở lớp chuyên đề bồi dưỡng học sinh năng khiếu, lớp nâng cao năng lực toán học, câu lạc bộ bạn yêu toán học, câu lạc bộ tin học trẻ.
- Xây dựng đội ngũ cán sự bộ môn:
+ Mỗi giáo viên cần xây dựng một đội ngũ các sự bộ môn gồm từ 4 đến 5 em/ lớp. Đó là các học sinh học khá nhất bộ môn ở lớp đó. Thông qua cán sự bộ môn, giáo viên có thể nắm được tình hình học tập của học sinh để có phương pháp phù hợp.
+ Cán sự bộ môn có nhiệm vụ giúp đỡ, giải đáp những thắc mắc môn Toán cho các bạn trong lớp khi tự học ở nhà hoặc trong lúc truy bài.
+ Những câu hỏi mà ban cán sự bộ môn không giải đáp được, cần được tập hợp và giáo viên phải trực tiếp giảng lại.
+ Giáo viên cần đề nghị với giáo viên chủ nhiệm để đổi chỗ ngồi hợp lí sao cho các cán sự bộ môn không ngồi quá tập trung, học sinh học quá yếu cần đề nghị chuyển chỗ ngồi phù hợp.
- Hướng dẫn học sinh cách tự học, cách làm bài tập.
+ Trong tiết học đầu năm, giáo viên cần hướng dẫn học sinh phương pháp chung để học bộ môn của mình.
+ Hướng dẫn học sinh cách sử dụng tài liệu tham khảo. Trước khi học 1 chương, giáo viên nên giới thiệu các tài liệu mà học sinh có thể tham khảo. Chú ý đến các tài liệu mà thư viện đang có.
+ Khi dạy học xong một hoạt động hoặc ví dụ, cần chỉ rõ bài tập nào trong phần bài tập có liên quan đến hoạt động, ví dụ này.
+ Trong mục hướng dẫn về nhà, giáo viên dành ít nhất 1 phút hướng dẫn học sinh làm bài tập về nhà. Cần chỉ rõ đối với bài tập này cần áp dụng kiến thức nào, cần chú ý điều gì. Chấm dứt tình trạng sau khi củng cố bài học, giáo viên chỉ nêu: “Các em về nhà làm bài tập 1, 2, 3 trong sách giáo khoa” và kết thúc giờ dạy mà không hướng dẫn làm bài tập.
+ Hướng dẫn học sinh cách học công thức, kiến thức bằng nhiều hình thức: thoát li kí hiệu, quy về các hiện tượng sự vật quen thuộc, viết thành thơ - vè, phổ nhạc, ...
+ Kiểm tra bài cũ, việc học bài và làm bài ở nhà cần làm thường xuyên, liên tục đồng thời cần có biện pháp đối với học sinh không học bài, làm bài hoặc có nhưng mang tính đối phó.
- Nếu cần thiết cần phải tổ chức cho học sinh trọ học trong khu vực đến trường tự học buổi chiều, buổi tối.
- Tìm hiểu hồ sơ, hoàn cảnh gia đình học sinh, trao đổi với giáo viên chủ nhiệm, Đoàn trường, cán bộ lớp để bàn cách giúp đỡ học sinh. Gặp gỡ trực tiếp, động viên, khích lệ tinh thần, tâm sự tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, giáo dục ý chí phấn đấu, giúp đỡ vật chất (nếu có thể). Gặp gỡ gia đình học sinh, góp ý về biện pháp giáo dục học sinh. 

2. Đối với học sinh:
- Xác định động cơ và mục đích đúng đắn. học để thoát nghèo. học vì ngày mai lập nghiệp.
- Dành thời gian cho học tập, học hỏi cách học của bạn bè, thầy cô.
- Chăm chỉ học tập, cố gắng hết sức trong học tập, vượt khó vươn lên; có ý thức học hỏi, ham học, không tự ti, không giấu dốt, không kiêu ngạo.
- Có đầy đủ đồ dùng học tập: sách giáo khoa, máy tính cầm tay, sổ tay toán – lí – hóa, thước kẻ, compa, giấy nháp.
- Học bài và làm bài ở nhà theo sự hướng dẫn của thầy cô. Không làm được cần đi hỏi bạn bè và thầy cô.

IV. ĐỀ XUẤT – KIẾN NGHỊ:
1.     Đối với tổ, nhóm:
- Xây dựng kế hoạch bộ môn: kế hoạch dạy học tự chọn, kế hoạch bồi dưỡng học sinh khá giỏi.
- Nghiêm khắc hơn nữa trong việc kiểm tra công tác soạn giảng theo chuẩn kiến thức, kĩ năng, công tác thẩm định đề kiểm tra.
- Động viên, khích lệ giáo viên trong công tác phụ đạo học sinh yếu kém, bồi dưỡng học sinh giỏi. Tổ cần tổ chức phong trào thi đua nâng cao chất lượng giáo dục. Mỗi giáo viên đăng kí giúp đỡ số lượng học sinh cụ thể từ yếu lên trung bình, từ trung bình lên khá.
- Thường xuyên trao đổi tài liệu, kinh nghiệm, phương pháp giảng dạy, giáo dục học sinh.
- Khuyến khích giáo viên tự làm đồ dùng dạy học, soạn và giảng có ứng dụng công nghệ thông tin.
- Thảo luận để đi tới xây dựng câu lạc bộ bộ môn. Tổ chức các hoạt động ngoại khóa, các cuộc thi kiến thức.

2.     Đối với nhà trường:
- Phối hợp với chính quyền địa phương, phụ huynh học sinh kiểm tra việc học sinh tự học buổi chiều và buổi tối.
- Sử dụng có hiệu quả Sổ liên lạc giữa gia đình và nhà trường. Thúc đẩy Hội phụ huynh, Chi hội khuyến học hoạt động hiệu quả.
- Tổ chức Hội nghị học tập cho học sinh để học sinh trao đổi kinh nghiệm học tập.
- Xếp thời khóa biểu hợp lí. Nên tránh để học sinh phải học 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ hoặc toàn các môn khoa học tự nhiên trong cùng một buổi học; hạn chế để học sinh phải có 3 ngày liên tiếp phải học Toán.
- Tạo điều kiện cho các tổ chuyên môn tổ chức các câu lạc bộ, hoạt động ngoại khóa, các cuộc thi kiến thức.
- Quan tâm hơn nữa đến công tác giảng dạy của giáo viên, đặc biệt là các đợt hội giảng, thao giảng, dự giờ theo kế hoạch.
- Việc thực hiện Chỉ thị số 33/2006/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ “ về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục”; cuộc vận động “ Hai không” với 4 nội dung cần được tiến hành thường xuyên, liên tục.
- Quán triệt dạy thực chất, học thực chất; hạn chế tiến tới xóa bỏ suy nghĩ của giáo viên, học sinh rằng học không quan trọng mà quan trọng là khi đi thi chép được bài.
- Xét hai mặt giáo dục, xét lên lớp ở lại nghiêm túc, công bằng để tạo động lực cho giáo viên và học sinh. Cần kiên quyết cho những học sinh thiếu ý thức học tập lưu ban.
- Khen thưởng kịp thời học sinh có cố gắng trong học tập./

Trên đây là tham luận của tổ Toán – Tin. Rất mong nhận được ý kiến đóng góp của quý vị đại biểu. Xin chân thành cảm ơn!

0 comments:

Đăng nhận xét

 
Copyright © 2012 Hoàng Ngọc Thế. All rights reserved. Ghi rõ nguồn Hoàng Ngọc Thế khi phát hành lại thông tin trên trang này.