Ngày cuối năm, bàn về sự "chuồn"

Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2016

"Tam thập lục kế, tẩu vi thượng sách". 



Câu nói kinh điển đó của Tôn Tử đã bị nhiều người Việt Nam hiểu lầm.

Đa số mọi người đều cho rằng, trong ba mươi sáu kế, kế chuồn là thượng sách, tức là thấy kẻ địch mạnh, mình không đánh được thì mình ... té.

Nếu chỉ đơn giản như vậy thì kế thứ ba mươi sáu đâu đáng là thượng sách. 

Cái thâm thúy đằng sau của mưu kế này nằm cả ở chữ "tẩu vi". Có lẽ cần phải hiểu theo ba ý lớn như thế này:

Thứ nhất, tẩu vi là tránh. Tức là làm thế nào để không chiến tranh thì tốt. Khi có mâu thuẫn thì cần tránh xung đột, mà phải giải quyết bằng các biện pháp hòa bình trước, như biện pháp kinh tế, phô trương lực lương. ngoại giao, tuyên truyền, kết liên minh ... Đánh vào lòng người là thượng sách, vây đánh thành trì là hạ sách chính là ý này.

Thứ hai, tẩu vi là biết cách rút lui. Nếu phải tham gia một cuộc chiến, thì biết cách rút lui sớm và đúng cách thực sự là một nghệ thuật. Nếu cứ mải mê đánh nhau mà không biết kết thúc thế nào thì binh tướng mệt mỏi, lòng dân ca thán, kinh tế kiệt quệt. đó là cái họa mất nước. LỊch sử cũng chứng kiến nhiều đế quốc không biết cách rút khỏi các cuộc chiến mà thành ra sa lầy và cũng chứng kiến cách kết thúc, rút lui khỏi các cuộc chiến đầy nghệ thuật. Chẳng hạn, khi đánh tan 29 vạn quân Thanh, vua Quang Trung đã chọn cách kết thúc rất "nghệ thuật". Mặc dù là bên chiến thắng nhưng ông lại sai xứ sang xin cầu hòa với vua Càn Long. Thắng người mà lại không làm người ta căm thù. Từ đó chấm dứt được xung đột với phương Bắc. Đó là 1 cách rút lui khỏi xung đột tuyệt diệu. 

Rộng hơn, Tẩu vi ở đây là kết thúc sao cho nếu thất bại thì không tủi nhục, mất uy với thiên hạ, nếu thành công thì không vì thế mà tăng thêm kẻ thù.

Thứ ba, Tẩu vi là tránh mũi nhọn, đây mới là ý mà dân ta hiểu. Nếu giặc mạnh thì tránh chỗ mạnh của giặc, đánh vào chỗ yếu của nó. Kẻ địch khí thế đang mạnh thì rút lui bảo toàn lực lượng.

Mình rất thích ý thứ hai của kế này vì nó khá gần gũi với cuộc sống. Trong cuộc sống hiện nay, bất cứ việc gì, khi chưa bắt đầu, ta cũng cần định hình cho nó một cái kết thúc. Kết thúc sao cho nếu thất bại thì không đau khổ, thất vọng, tủi nhục; thành công thì không làm bản thân ảo tưởng, làm người khác đố kỵ hay làm tăng thêm kẻ thù. 

Cảnh giới cao như thế thì mình cũng chưa đạt được, nhưng mình mong các bạn, bước sang năm 2017 sẽ đạt được phần nào.


0 comments:

Đăng nhận xét

 
Copyright © 2012 Hoàng Ngọc Thế. All rights reserved. Ghi rõ nguồn Hoàng Ngọc Thế khi phát hành lại thông tin trên trang này.