Hồi còn nhỏ, mình rất thích đọc Dũng sĩ Hesman. Đây là 1 bộ truyện tranh tuyệt hay. Bây giờ mình đang up lại từng tập lên face để mọi người cùng đọc. Mọi người vào trang https://www.facebook.com/DungSiHesman nhé.
Dũng sĩ Hesman là một bộ truyện tranh dài 159 tập, mỗi tập 72 trang, được Họa sĩ Hùng Lân thực hiện từ năm 1992 đến năm 1996 do Nhà xuất bản Mỹ Thuật Hà Nội đứng ra xuất bản. Ban đầu, ông phóng tác từ phim hoạt hình Voltron - Defender of the Universe của Nhật Bản được 4 tập: Cuộc Vượt Ngục, Hesman xuất hiện, Mãng xà giả dạng và Lọ nước thần, sau đó tự ông sáng tác tiếp thêm 155 tập nữa dựa theo tuyến nhân vật đã có và tạo dựng thêm vài chục nhân vật khác.
Dũng sĩ Hesman là bộ truyện tranh khoa học giả tưởng, tên Hesman được tự họa sĩ đặt ra, viết tắt từ chữ He is man, nghĩa là kể về một rôbôt có tính năng như con người, cùng với cuộc phiêu lưu của các nhân vật vào thiên hà ở thế kỷ thứ 22.
Bộ truyện đã được đón nhận qua nhiều thế hệ độc giả trẻ tại Việt Nam, con số phát hành có lúc lên đến 160.000 bản một tập. Đây là bộ truyện rất thành công của Họa sĩ Hùng Lân.
Họa sĩ Hùng Lân tâm sự:
Thời ấy chẳng có chút tư liệu gì về nó, bên đối tác liên kết với Nhà xuất bản họ chỉ đưa tôi hai băng video VOLTRON – Defender of the universe và nhờ tôi chuyển thể, phóng tác giùm, hình ảnh thì chỉ được 2 tấm nhỏ chụp ngoài bìa hộp còn nội dung thì trong băng video, hồi ấy không có DVD mà chỉ có VCD nên hình ảnh đâu có được rõ nét, TV màu thì không phải ai cũng có tiền mua được chứ nói gì là máy vi tính hay là Internet? Có nghĩa là tôi phải làm việc trong môi trường rất ít và thiếu tư liệu, thiếu thông tin như thế, đồng thời phải chịu áp lực mỗi tuần một cuốn 72 trang, phải tự viết kịch bản, vẽ bìa, tất cả tự mình thực hiện từ A đến Z, thế mà tôi vẫn miệt mài cố gắng vì nó. Giá như có được Internet và máy tính hay những công cụ như bây giờ thì mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn là ở vào thời kỳ đó, ít ra là cũng search trên net được hình nguyên mẫu Voltron để vẽ cho chính xác hơn một chút. Do vậy mà ngày nay có một số bạn trẻ bảo rằng Hesman vẽ không đúng hay nhân vật vẽ không đúng thì tôi cũng đành chịu, vì hồi ấy (1992) tôi chưa biết mặt mũi cái máy vi tính ra làm sao cả, máy tính đang ở dạng sơ khai dùng MS- Dos, Win 3.1 và Việt Nam mình chưa có Internet, chưa hề biết Internet là cái gì cả, lấy đâu ra mà tìm tư liệu?
0 comments:
Đăng nhận xét